ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH ĐIỆN BIÊN THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI MTTQ VIỆT NAM TỈNH ĐIỆN BIÊN KHÓA XII, NHIỆM KỲ 2019-2024
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG CÁC TỔ CHỨC GIÁO HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI TÔN GIÁO VÀ NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý
  • Thời gian đăng: 12/16/2021 8:04:59 AM
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC

    VẬN ĐỘNG CÁC TỔ CHỨC GIÁO HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI

    TÔN GIÁO VÀ NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

     TS. Nguyễn Văn Thanh[1]

    1. SỰ CẦN THIẾT CỦA CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG CÁC TỔ CHỨC GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI TÔN GIÁO

    Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo” và “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo.

    Tổ chức xã hội tôn giáo là tổ chức mang tính xã hội, được thành lập theo quy định của pháp luật nhằm tập hợp, đoàn kết chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tiêu biểu của tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm cầu nối bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đồng bào tôn giáo, là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở trung ương hoặc địa phương. Ở Việt Nam ta hiện nay có 2 tổ chức xã hội tôn giáo là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tại một số tỉnh Tây Nam bộ.

    Với chính sách nhất quán tôn trọng tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đến nay đã có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động tổ chức gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Minh Chân đạo, Hội thánh Truyền giáo Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Chân Lý, Hội thánh Cao Đài Cầu kho - Tam Quan, Hội thánh Cao Đài Chiếu minh Long Châu, Hội thánh Cao Đài Bạch y, Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức), Cao Đài Chiếu minh Tam thanh Vô vi, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ Đốc Phục lâm Việt Nam, Tổng hội Báp Tít Việt Nam, Giáo hội Báp Tít Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ Đốc, Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam, Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Ninh Thuận, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Bình Thuận, Ban Quản trị Thánh đường Al Noor, Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha'i Việt Nam, Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam Phật hội, Phật hội Tứ ân Hiếu nghĩa, Ban Trị sự các chùa đạo Bửu sơn Kỳ hương, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Hội thánh Minh lý đạo - Tam Tông miếu, Hội đồng chức sắc Chăm Bà la môn giáo tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng chức sắc Bà la môn giáo tỉnh Bình Thuận, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam.

    Ở Việt Nam trên 95% dân số có thực hành các nghi thức của các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, từ tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống dân tộc (không có tổ chức giáo hội) đến các tôn giáo có tổ chức giáo hội. Đồng bào tôn giáo ở nước ta hiện nay có khoảng 27 triệu tín đồ. Số chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ở nước ta là một lực lượng khá đông đảo với khoảng 70.000 chức sắc, nhà tu hành và 112.000 chức việc[2]. Cơ sở thờ tự của các tôn giáo có khoảng 29.000 cơ sở. Hệ thống đào tạo chức sắc của Phật giáo có 4 Học viện Phật giáo, 6 lớp Cao đẳng Phật học và 34 trường Trung cấp Phật học; Công giáo có 8 Đại chủng viện và 1 Học viện Công giáo Việt Nam; đạo Tin Lành đã có 1 Viện Thánh kinh Thần học của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và Trường Thánh kinh Thần học Hà Nội thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc); Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam có trường Thánh kinh Thần học; Hội thánh Truyền giáo Cao Đài có Học viện Truyền giáo Cao Đài, các hội thánh Cao Đài khác đang xây dựng đề án thành lập Học viện Cao Đài chung; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo có trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo, ngoài ra đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo còn tổ chức nhiều lớp giáo lý, lớp hạnh đường, hạnh đức tại các cơ sở thờ tự để đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc phụ trách việc đạo...

    Các tổ chức tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong định hướng, dẫn dắt về mặt tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh và tác động đến thái độ chính trị, hoạt động xã hội của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo thông qua phương châm, đường hướng hoạt động của tổ chức giáo hội được thể hiện trong hiến chương, điều lệ, đạo quy... và việc hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo, triển khai các hoạt động của tổ chức giáo hội hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có mối quan hệ gắn bó mật thiết, khăng khít với các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo. Hiến chương, điều lệ, đường hướng hoạt động của các tổ chức tôn giáo trực tiếp do các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành xây dựng lên. Vì vậy tiếng nói, thái độ, quan điểm, đường hướng của các tổ chức tôn giáo đối với các vị chức sắc, nhà tu hành, tín đồ có tác đụng định hướng lớn, có lúc có nơi giữ vai trò quan trọng (thậm chí là quyết định) đến lập trường, tư tưởng và thái độ của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo đó. Khi tín đồ, chức sắc, nhà tu hành còn đang băn khoăn về một điều gì đó, nếu có sự tác động của tổ chức giáo hội hoặc tổ chức xã hội tôn giáo thì người tín đồ, chức sắc, nhà tu hành dễ dàng nhận thức được vấn đề và thực hiện. Vì vậy công tác vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức xã hội tôn giáo có một ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tôn giáo nói chung và công tác tôn giáo của Mặt trận nói riêng. Mặt khác, công tác vận động tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc lại gắn liền và có mối quan hệ hữu cơ với công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và quần chúng tín đồ. Làm tốt công tác vận động tổ chức tôn giáo sẽ góp phần tích cực trong việc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và ngược lại nếu làm tốt công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành sẽ góp phần tạo ra môi trường xã hội thuận lợi, trên đó tiến hành công tác vận động các tổ chức tôn giáo đạt hiệu quả. Có thể nói vận động tổ chức giáo hội, tổ chức xã hội tôn giáo và tuyên truyền vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo là ba mặt của một vấn đề có mối quan hệ mật thiết và khăng khít.

    2- CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG TỔ CHỨC TÔN GIÁO

    - Hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức giáo hội tôn giáo phát huy những mặt tích cực, lành mạnh, tiến bộ trong giáo lý, giáo luật, đạo đức, văn hoá của tôn giáo bằng các hoạt động thiết thực và cụ thể như ra Thư chung, Thông bạch, Thông tri, Châu tri, Lời kêu gọi, Kế hoạch, Hướng dẫn… của tổ chức giáo hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc nhằm hưởng ứng, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình hành động của Mặt trận và các đoàn thể.

    - Hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức giáo hội là thành viên của Mặt trận ở trung ương và địa phương như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự ở Trung ương, Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, cấp huyện); Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc); các hội thánh Cao Đài, Tin Lành, các tổ chức tôn giáo khác đã được công nhận về tổ chức… làm nòng cốt để vận động, tập hợp, đoàn kết quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc.

    - Hoan nghênh, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo thực hiện tốt các đường hướng hành đạo tiến bộ đã đưọc nêu lên trong các bản hiến chương, điều lệ, đạo quy và thư chung, thông bạch, thông tri, châu tri... của các tôn giáo đó, như: “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (Công giáo); “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH” (Phật giáo); “Nước vinh Đạo sáng” (Cao Đài); "Vì Đạo pháp, vì Dân tộc" (Phật giáo Hoà Hảo); "Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc" (Tin Lành) hay “Tốt đời đẹp đạo” của chung các tôn giáo…

    - Quan tâm phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia cùng Nhà nước xã hội hoá trong các lĩnh vực kinh tế- văn hoá- xã hội, nhất là trong các lĩnh vực sở trường của tôn giáo như: An sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... theo quy định của pháp luật. Thông qua việc phát huy và định hướng hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, hoạt động xã hội hóa các lĩnh vực của các tổ chức tôn giáo gắn với các hoạt động chung của đất nước, của địa phương theo quy định của pháp luật mà phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, đồng thời từng bước giải toả những thành kiến, mặc cảm quá khứ, xây dựng khối đại đoàn kết Đạo - Đời ngày thêm vững chắc.

    4- PHƯƠNG THỨC VẬN ĐỘNG

    Phương thức vận động tổ chức giáo hội tôn giáo có nhiều điểm chung, tương đồng với phương thức vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành vì các vị chức việc, chức sắc cũng thường đồng thời là các vị lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc ở các cấp.

    4.1- Vận động, tranh thủ cá biệt và vận động cộng đồng

    Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo có vai trò và đặc điểm cá thể rất rõ rệt, sâu sắc. Sự tu tập của riêng từng người là điều kiện và phương thức sinh hoạt tôn giáo cơ bản của họ. Dù thế nào, mỗi chức sắc, nhà tu hành cũng phải đơn độc lựa chọn hay được chọn (ơn gọi) cuộc đời tu hành và mỗi người phấn đấu đạt những công quả riêng. Trong tổ chức tôn giáo (giáo hội), vai trò cá nhân theo phẩm trật rất được coi trọng; đặc biệt có tôn giáo hết sức coi trọng hình thức, cấp bậc giáo phẩm (như Cao đài Chơn lý ở nước ta).

    Do đó phải chú ý tiếp cận, vận động cá biệt đối với từng chức sắc, chức việc, nhà tu hành thế nào cho phù hợp với đặc điểm, tính chất, quyền lợi vật chất tinh thần, tâm lý, quan hệ... của mỗi đối tượng.

    Đồng thời, chức sắc và nhà tu hành sống, sinh hoạt thành cộng đồng. Đạo Phật quy định cứ 3 tăng ni có thể hợp thành một tăng đoàn. Đạo Ki tô cũng cho rằng giữa hai người tin Chúa thì đã có Chúa Ki tô và cả ba có thể hợp thành Hội thánh. Những cộng đồng tu hành và hoạt động tôn giáo như vậy được xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh dần về mặt nội dung và cơ cấu, lực lượng, tổ chức, trở thành các tổ chức tôn giáo, các giáo hội.

    Từ đây, có hai vấn đề đặt ra:

    Một là, phải tiếp cận và vận động từng nhóm, từng tập thể nhỏ chức sắc, chức việc là lãnh đạo của tổ chức tôn giáo với những quan hệ nội bộ về tư tưởng, tâm lý, tình cảm, quyền lợi và về tổ chức của họ.

    Hai là, một số giáo hội, tổ chức tôn giáo trước đây là những thiết chế trong xã hội cũ, chế độ cũ; thậm chí có trường hợp trở thành công cụ thống trị, áp bức nhân dân, trực tiếp là quần chúng tín đồ. V.I. Lênin từng nói đến "chức năng thầy tu" do các tôn giáo (trực tiếp là các giáo hội) đảm đương trong các chế độ cũ để thống trị nhân dân. Do vậy, trước năm 1975 trong công tác tôn giáo, về cơ bản đã không đặt ra vấn đề vận động giáo hội, vận động tổ chức tôn giáo về mặt tổ chức như là một công cụ của chế độ địch theo tinh thần và yêu cầu vận động quần chúng. Lúc đó, đối với hàng chức sắc, giáo sĩ các tôn giáo, chúng ta chủ yếu đặt vấn đề tranh thủ những đối tượng có thiện chí; lôi kéo đa số lừng chừng; phân hoá, cô lập bộ phận xấu và trấn áp những phần tử phản động.

    Trong điều kiện mới của đất nước độc lập có chủ quyền, Nhà nước là công cụ làm chủ của nhân dân lao động, trong đó có đông đảo quần chúng tín đồ. Các tôn giáo là thiết chế hợp pháp, có vai trò, vị trí và quyền lợi - trách nhiệm bình đẳng như các thành phần xã hội khác. Do đó, vấn đề vận động các giáo hội, các tổ chức tôn giáo cần được nghiêm túc đặt ra đồng thời với vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Và như vậy, bên cạnh vận động cá biệt, đây cũng là một đối tượng vận động cộng đồng, vận động chung.

    Tuy nhiên, vấn đề vận động tổ chức giáo hội trong tình hình mới, đòi hỏi phải có yêu cầu nội dung và hình thức, phương pháp vận động thích hợp đối với đường hướng, chương trình hành đạo và yêu cầu, nhiệm vụ của xã hội trong giai đoạn mới với những đòi hỏi về tổ chức bộ máy và cán bộ phù hợp.

    4.2- Vận động trực tiếp và vận động gián tiếp

    a- Hai điều kiện đầu tiên để vận động trực tiếp là hiểu gần đối tượng vận động. Nói cách khác là cần nghiên cứu, tìm hiểu để hiểu rõ đối tượng về đặc điểm, tính cách, tâm lý, lợi ích, quan hệ... và thiết lập được quan hệ  từ bình thường đến tin cậy với đối tượng vận động.

    Vận động trực tiếp một đối tượng phải chú ý các mặt tác động: Nhận thức (giác ngộ), pháp luật (cơ chế), và lợi ích (cả tinh thần, vật chất và xã hội).

    Riêng về lợi ích, cần chú ý đầy đủ, hài hoà cả lợi nghĩa, lợi tình, lợi tài và lợi danh quán xuyến thống nhất:

    Lợi nghĩa là thoả mãn nhu cầu về tinh thần, lý tưởng, nghĩa vụ, như: vì Tổ quốc, Thiên Chúa hoặc vì đạo pháp, hoặc phụng sự những mục tiêu thấp hơn, hẹp hơn (vì quê hương, xóm họ, giáo dân, người nghèo, thế hệ trẻ...).

    Lợi tình là thuộc về những ân nghĩa, ơn huệ, tình cảm... khác nhau của con người.

    Lợi tài gồm những hình thức lợi ích vật chất.

    Lợi danh là nhu cầu đòi hỏi về danh dự, uy tín, tiếng tăm, địa vị và sự kính trọng của xã hội...

    Tóm lại là chú ý cả ba mặt tác động và bốn lợi ích là những mối quan hệ khách quan chi phối, ràng buộc tất cả các cá nhân và các nhóm chức sắc. Thực ra, cơ chế "quan hệ ba tác động, bốn lợi ích" không chỉ vận dụng thích hợp trong vận động trực tiếp và vận động cá biệt mà còn phát huy có hiệu quả trong vận động gián tiếp và vận động cồng đồng.

    b- Vận động gián tiếp bao gồm:

    + Vận động thông qua các tổ chức giáo hội, hội thánh, sơn môn, hệ phái, nhóm...

    + Vận động thông qua các tổ chức xã hội - tôn giáo như Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước ở một số tỉnh Tây Nam bộ.

    + Vận động thông qua các phong trào, các cuộc vận động mang tính toàn dân hoặc phong trào, cuộc vận động có tính đặc thù tôn giáo...

    + Vận động thông qua các sinh hoạt chính trị, xã hội của toàn dân và của riêng các cộng đồng tôn giáo...

    + Vận động thông qua các hình thức sinh hoạt văn hoá xã hội, thông qua các lễ hội lớn của tôn giáo, lễ tết của dân tộc .

    + Vận động thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp...

    5- NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG VẬN ĐỘNG TỔ CHỨC GIÁO HỘI TÔN GIÁO

    - Mặt trận quan tâm, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước tham gia giải quyết kịp thời, đúng theo chức năng nhiệm vụ về những đề nghị, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của tổ chức giáo hội các tôn giáo.

    - Mặt trận xây dựng thái độ tôn trọng, đối xử bình đẳng và dân chủ với các tổ chức giáo hội. Khi có vấn đề nảy sinh thì tiến hành tiếp xúc thường xuyên, đối thoại, trao đổi, bàn bạc để giải quyết có lý có tình các sự việc, các vấn đề, tránh áp đặt, mệnh lệnh, cưỡng ép… từ đó đi đến đồng thuận, phối hợp cùng giải quyết tốt các vấn đề, sự việc liên quan cùng quan tâm.

    - Trong tiếp xúc với các tổ chức giáo hội để giải quyết các vấn đề có liên quan nên phân công những cán bộ có trình độ chính trị vững vàng, nắm vững chính sách tôn giáo, am hiểu tôn giáo và giáo hội; có thái độ mềm dẻo, lịch sự và những cán bộ này nên chuyên sâu ổn định lâu dài, để nắm vấn đề có hệ thống.

    Ngoài ra, đối với từng tổ chức giáo hội tôn giáo cụ thể cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình của tôn giáo đó và quá trình hình thành, phát triển cũng như những đóng góp của giáo hội cho đất nước... mà trong quá trình vận động chúng ta có thể có những điểm lưu ý cụ thể.

    6- MẶT TRẬN ĐỘNG VIÊN, GIÚP ĐỠ CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA TÔN GIÁO VÀ CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC CỦA ĐỒNG BÀO TÔN GIÁO

    Đối với các tôn giáo, ngoài những tổ chức giáo hội được thành lập ra theo quy định của giáo lý, giáo luật và hiến chương, điều lệ, đạo quy... của mỗi tôn giáo, để thực hiện chức năng chủ yếu về tín ngưỡng tôn giáo, một số tôn giáo, do điều kiện lịch sử xã hội cụ thể và nhu cầu khách quan của xã hội, được sự quan tâm của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hình thành lên một số tổ chức xã hội tôn giáo, như Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

    Đây lànhững tổ chức thành viên đặc biệt của Mặt trận ở trung ương và địa phương, quy tụ các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo và đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông. Nó kế thừa và phát huy những thành quả từ trong kháng chiến đến nay. Các tổ chức này đã tập hợp những người tiêu biểu tích cực trong đồng bào Công giáo và chức sắc Phật giáo Khmer Nam bộ và thực sự có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy cả về chiều sâu và chiều rộng các phong trào thi đua yêu nước của quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành.

    Tuy vậy, những năm trước đây, do một số nhân tố tác động khách quan và chủ quan, bản thân tổ chức Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước cũng có khó khăn về điều kiện hoạt động, một số thành viên thiếu phấn khởi, sự quan tâm giúp đỡ chưa ngang tầm nhiệm vụ thực tiễn đặt ra nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các tổ chức đó. Từ năm 1997 đến nay, theo sự phân công mới, tổ chức và hoạt động của Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam được chuyển giao về Uỷ ban Mặt trận các cấp quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ.

    Vì vậy Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phải quan tâm và chăm lo hơn nữa đối với hoạt động của Uỷ ban đoàn kết Công giáo và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (đối với các tỉnh có đông đồng bào và chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer).

    5.1. Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam

    Đối với các tỉnh đã có tổ chức Uỷ ban đoàn kết Công giáo

    Vận động, động viên thu hút các vị linh mục, nam nữ tu sĩ và các giáo dân tiêu biểu còn đứng ngoài hoặc chưa quan hệ mật thiết, thậm chí chưa có thiện cảm với Uỷ ban Đoàn kết Công giáo nhận thức được lợi ích và trách nhiệm của mình qua các hoạt động thiết thực của Uỷ ban trên các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục đạo đức, từ thiện nhân đạo, xoá đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội, đền ơn đáp nghĩa, dân số – kế hoạch hoá gia đình… từ đó mà tích cực tham gia hoạt động của Uỷ ban hay đồng tình, hưởng ứng đối với các hoạt động do Uỷ ban tổ chức.

    Giúp đỡ Uỷ ban đoàn kết Công giáo kiện toàn tổ chức, văn phòng và Ban Thường trực của Uỷ ban đảm bảo đủ năng lực hoạt động có hiệu quả. Hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, phương tiện hoạt động, nơi làm việc… và các mối quan hệ khác, nhằm nâng cao uy tín, ảnh hưởng và vai trò xã hội của Uỷ ban đối với phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo. Từ đó mà hạn chế, khắc phục những xu hướng, hành vi chia rẽ của các phần tử xấu và tiêu cực muốn ngăn cản, gây khó khăn cho hoạt động của Uỷ ban. (Riêng về vấn đề kinh phí hoạt động của Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp, trước mắt căn cứ vào Công văn số 286/BTC-HCSN, ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính).

    Phối hợp và giúp đỡ Uỷ ban đoàn kết Công giáo cụ thể hoá các nội dung tham gia của đồng bào Công giáo trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và tích cực chủ động hội nhập quốc tế thành những phong trào và các chương trình hành động đa dạng phong phú, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện ở từng địa phương. Cụ thể như, giúp đỡ và tạo điều kiện cho bộ phận thường trực (Văn phòng) của Uỷ ban đoàn kết Công giáo xây dựng chương trình hành động, biết chủ động trong quan hệ phối hợp và sâu sát với phong trào cơ sở. Hoặc triển khai tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo", các phong trào như: “Xây dựng xứ, họ tiên tiến; gia đình Công giáo gương mẫu”; “Xây dựng xứ, họ gương mẫu”... trong vùng đồng bào Công giáo.

    Giúp đỡ Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức các hội nghị, tọa đàm, các đoàn nghiên cứu thực tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho các vị ủy viên ủy ban, cán bộ văn phòng Uỷ ban Đoàn kết Công giáo giữa các địa phương.

    Quan tâm việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương những nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo. Giúp đỡ Uỷ ban Đđoàn kết Công giáo định kỳ tổ chức các Hội nghị biểu dương các gương cá nhân và tập thể tiên tiến, xuất sắc trong vùng đồng bào Công giáo.

    Giúp đỡ Uỷ ban đoàn kết Công giáo nâng cao chất lượng các tờ báo là cơ quan ngôn luận của Uỷ ban, như báo Người Công giáo Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam), báo Công giáo và Dân tộc (cơ quan ngôn luận của Uỷ ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh), nhằm hướng dẫn, cổ vũ, động viên và đáp ứng được những đòi hỏi của phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức Báo, đưa Báo về đến tận cơ sở, đến với đông đảo tín đồ, chức sắc và nhà tu hành Công giáo.

    Giúp đỡ Uỷ ban đoàn kết Công giáo trong việc tổ chức các buổi thảo luận, đóng góp ý kiến của các chức sắc, nhà tu hành và đồng bào Công giáo vào các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đặc biệt là các chủ trương chính sách liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo…

    Đối với các tỉnh có đồng bào Công giáo nhưng chưa có tổ chức Uỷ ban đoàn kết Công giáo

    Hàng năm, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương cần tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào Công giáo, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến tôn giáo. Qua đó phát huy và đẩy mạnh những mặt đã làm được, đồng thời rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt còn hạn chế, tồn tại. Tổ chức các Hội nghị chuyên đề về phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo, khen thưởng, động viên các vị chức sắc, nhà tu hành, tín đồ và các khu dân cư  Công giáo tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong các phong trào ở địa phương, tạo không khí thi đua sôi nổi trong đồng bào Công giáo.

    Đối với các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Công giáo, Uỷ ban Mặt trận cần tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tín đồ, đại diện các ban hành giáo, các linh mục, nam nữ tu sĩ ở địa phương. Nếu xét thấy đồng bào có nhu cầu và thực tiễn phong trào thi đua của người Công giáo ở địa phương đòi hỏi phải có tổ chức, thì Mặt trận cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tham mưu cấp ủy địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp cùng Mặt trận giúp đỡ phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo thành lập tổ chức Uỷ ban của mình vào thời điểm thích hợp, có ý nghĩa.

    5.2. Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ở một số tỉnh Tây Nam bộ

    Đặc điểm của đồng bào dân tộc Khmer là gắn bó khăng khít với sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer và các vị sư sãi đều là con em của đồng bào, ngôi chùa Phật là nơi tu hành của các vị sư sãi đồng thời cũng là nơi làm lễ của đồng bào, là nơi giáo dục đào tạo, là trung tâm văn hoá, là nơi thờ phượng những người thân của đồng bào Khmer… Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước khí thế sôi sục của phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào đấu tranh chống Mỹ của các vị sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer cũng phát triển mạnh. Đến mùa thu năm 1964, Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ đã được thành lập, do Đại đức Thạch Som làm Hội trưởng. Hội là tổ chức đoàn kết rộng rãi đồng bào Khmer cùng các vị sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer với các tôn giáo, các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đấu tranh chống thực dân, đế quốc và tay sai, vì sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình và hạnh phúc của nhân dân.

    Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1981 tại Hội nghị đại biểu Phật giáo toàn quốc thống nhất các hệ phái Phật giáo, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Nam bộ đã tự nguyện và tích cực cùng 8 hệ phái Phật giáo khác thành lập lên ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự thống nhất này xây dựng trên nguyên tắc: thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; tuy nhiên các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng và duy trì. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước.

    Sau khi thống nhất Phật giáo, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Nam bộ không xây dựng tổ chức chung cho Phật giáo Nam tông Khmer của các tỉnh Tây Nam bộ. Hiện nay, ở các tỉnh có đông các vị sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer, tổ chức Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh vẫn hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật trong phạm vi tỉnh, thành và là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc ở cấp tỉnh.

    Công tác Mặt trận đối với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước một số tỉnh, thành phố cần tập trung vào một số nội dung lớn dưới đây:

    - Vận động, khuyến khích các vị chức sắc, nhà tu hành Phật giáo Nam tông Khmer tham gia tổ chức Hội đoàn kết sư sãi yêu nước.

    - Hướng dẫn, giúp đỡ Hội đoàn kết sư sãi yêu nước trong việc kiện toàn tổ chức và hoạt động xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi về vật chất (kinh phí, phương tiện, điều kiện hoạt động…) và các mối quan hệ xã hội khác giúp cho Hội hoạt động có hiệu quả.

    - Hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức Hội đoàn kết sư sãi yêu nước cụ thể hoá các chương trình và nội dung hoạt động, tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động chính trị – xã hội, lồng ghép các hoạt động xã hội của Hội vào việc thực hiện các phong trào chung của Trung ương và địa phương. Ví dụ như: lồng ghép phong trào lao động sản xuất giỏi, phong trào xây dựng xóm, sóc, ấp, khóm văn hoá, chùa văn hoá, gia đình văn hoá… vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...

    - Hướng dẫn, giúp đỡ Hội xây dựng các chùa Khmer thành các trung tâm văn hoá thông tin ở phum, sóc, có tủ sách hướng dẫn thực nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tủ sách pháp luật, học chữ viết,… cho nông dân ở các phum sóc. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hội tổ chức các lớp cải thiện, nâng cao văn hoá, chữ viết cho các chư tăng trong chùa cũng như các lớp xoá mù chữ và lớp học tình thương ở chùa cho đồng bào và thanh thiếu niên Phật tử.

    - Hướng dẫn, giúp đỡ Hội triển khai các hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hoá của đồng bào Khmer trong cuộc sống; tăng cường tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa đồng bào các dân tộc trong địa phương và giữa các địa phương trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam.

    [1] Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

    [2] Số liệu theo Báo cáo của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đến tháng 10/2017