|
Sáng 19/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm 2017 và công bố chỉ số CCHC của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thành Đô - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBMTTQ, các đoàn thể tỉnh; UBND các huyện thị, thành phố trong tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh đã được các cấp các ngành, các địa phương của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, vị trí xếp hạng CCHC của tỉnh liên tục tăng. Cụ thể: năm 2015 chỉ số CCHC của tỉnh xếp hạng 63/63 tỉnh, thành trong cả nước; năm 2016 xếp thứ 42/63 tỉnh, tăng 21 bậc so với năm 2015; năm 2017 xếp thứ 24/63 tăng 18 bậc so với năm 2016.
Đ/c Lê Thành Đô – UVBTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Việc triển khai tự chấm điểm và thẩm định kết quả chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện năm 2017 đã được thực hiện đảm bảo khách quan, dân chủ. Bắt đầu từ năm 2013, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh đã xây dựng bộ chỉ số chấm điểm CCHC cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Đã triển khai thực hiện, đánh giá, chấm điểm chỉ số CCHC cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Thông qua việc chấm điểm nhằm nâng cao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Với những đổi mới đáng kể trong công tác thẩm định, phúc tra đã tạo cho các đơn vị, địa phương tính chủ động trong công tác tự chấm điểm, thu thập và biên tập tài liệu kiểm chứng đảm bảo yêu cầu đề ra như: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và Thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên phủ.
Điểm trung bình của 19 sở, ban, ngành là 42,97 điểm (đạt 69,31% so với điểm tối đa); trong đó đơn vị đạt điểm cao nhất là Văn phòng UBND tỉnh (56,25 điểm 90,73% so với điểm tối đa). Điểm trung bình của 10 huyện, thị xã, thành phố là 30,58 điểm (đạt 49,31% so với điểm tối đa), trong đó, đơn vị đạt điểm cao nhất là thị xã Mường Lay đạt 38,5 điểm (62,1% so với điểm tối đa).
Tuy nhiên, công tác CCHC còn tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện CCHC tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, có nội dung chậm tiến độ. Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC chưa thật sự quyết liệt. Công tác tuyên truyền về CCHC chưa thường xuyên...
Có thể nói, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính, công tác CCHC đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân và xã hội. Việc xác định chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp cho UBND tỉnh có cái nhìn tổng quan về kết quả triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC của UBND tỉnh, kế hoạch CCHC hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Kết quả này là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh kịp thời có những chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác CCHC của tỉnh và là căn cứ quan trọng để thực hiện bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cá nhân, tập thể.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản về CCHC giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát hệ thống văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh để phù hợp với các quy định hiện hành. Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền CCHC bằng nhiều hình thức, khẩn trương khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bố trí đảm bảo nguồn lực cho công tác CCHC để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC trong toàn tỉnh.