UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

TỈNH ĐIỆN BIÊN

ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT - THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG
  • Chung tay xây dựng phên giậu giàu mạnh
  • Thời gian đăng: 8/29/2017 5:01:46 PM
  • Đến nay, trên tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Điện Biên đã có 7 cặp xã, bản hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa. 4 năm qua, phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” là một chủ trương đúng, đáp ứng yêu cầu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân các dân tộc và lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

  • BP123.jpg

    Trưởng bản Gia Phú A (xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Trưởng bản Huổi Ven (Cụm bản Mường Hợp, huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Phra Băng, Lào) trao bản ký kết Quy chế kết nghĩa giữa hai bản

    "Mua láng giềng gần" trên biên giới cực Tây Tổ quốc

    Tháng 5 này, niềm vui về một vụ lúa bội thu được nhân lên gấp đôi tại bản Con Cang (xã Na Ư, huyện Điện Biên), bởi “bản anh em” Pang Hốc (Cụm bản Xốp Hùm, huyện Mường Mày, tỉnh  Phông Sa Lỳ, Lào) cũng được mùa lớn. Vậy là sau gần 1 năm kết nghĩa (ngày 27-9-2016), đồng bào Mông hai bản Con Cang và Pang Hốc đã “thu hẹp thêm khoảng cách địa lý” để cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi”.

    Quy chế kết nghĩa với những nội dung cụ thể đã trở thành cầu nối tích cực, thiết thực để phát huy mối quan hệ đoàn kết thân tộc, dân tộc giữa nhân dân hai bên biên giới. Việc lớn, việc nhỏ của bản Con Cang cũng là việc của bản Pang Hốc, bởi chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, hỗ trợ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi và giao lưu nhân các ngày lễ, Tết truyền thống.

    Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của Đồn BPCK quốc tế Tây Trang, người dân ở hai bên biên giới đã biết khai hoang, trồng lúa nước, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Không chỉ hướng dẫn bà con cách làm ăn, BĐBP còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ nhân dân bản Pang Hốc như: Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, nâng cấp 12km đường bộ nối liền hai bản…

    “Cùng uống chung nguồn nước, từ lâu, người Mông ở Con Cang và Pang Hốc đã luôn coi nhau như anh em trong nhà. Nhờ có BĐBP mà tình cảm đó lại càng thêm thắm thiết hơn” - Trưởng bản Con Cang Và A Sáu khẳng định với tôi. Theo ông Sáu, cái được lớn nhất qua hoạt động kết nghĩa là nhân dân hai bên biên giới ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghiêm các hiệp định, quy chế khu vực biên giới Việt - Lào, cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mỗi bên.

    Minh chứng cho hiệu quả gắn kết giữa hai bản là an ninh trật tự khu vực biên giới ngày càng ổn định. Người dân Pang Hốc đang nỗ lực thoát ra khỏi “vòng xoáy” của một trong những điểm chế xuất, trung chuyển ma túy nhức nhối nhất trên biên giới Việt - Lào. Đặc biệt, một năm qua, nhân dân hai bản đã đẩy lùi nhiều hoạt động chống phá cách mạng của bọn phản động lưu vong và kẻ xấu tìm cách kích động chia rẽ tình đoàn kết nhân dân hai nước.

    Cũng trên tuyến biên giới Việt - Lào, ngày 28-7-2015 đã mở ra giai đoạn mới hợp tác toàn diện giữa Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) và Mường Mày (tỉnh Phông Sa Lỳ) khi bản Tân Phong 1 (xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ) kết nghĩa với bản Huổi Lả (Cụm bản Nà Lầm, huyện Mường Mày) và bản Nậm Đích (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) kết nghĩa với bản Huổi Hịa (Cụm bản Huổi Cốp, huyện Mường Mày). Xuất phát điểm là những bản vùng sâu, đặc biệt khó khăn của hai nước, từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Thái hai bên biên giới đã tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

    Từ ngày kết nghĩa, người dân 4 bản trên đã danh chính ngôn thuận “là anh em trong nhà”. Tình đoàn kết giữa nhân dân hai bản ngày càng khăng khít, gắn bó hơn nhờ hoạt động giao lưu văn hóa, giao thương hàng hóa qua biên giới được đẩy mạnh. Người dân hai bên biên giới ngày càng có cơ hội học hỏi, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng ấm no. Nhân dân hai bên biên giới luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hai nước, yên tâm lao động sản xuất, tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới hai nước củng cố quốc phòng-an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

    Điểm sáng trong công tác đối ngoại biên phòng

    “Nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ đơn thuần là bảo vệ đường biên, cột mốc, mà còn góp phần tạo dựng môi trường biên giới hòa bình, ổn định, tăng cường tình đoàn. kết, hữu nghị giữa dân cư hai bên biên giới. Trên tinh thần đó, phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” được triển khai hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội… đã thực sự là một nội dung trọng tâm trong công tác đối ngoại Biên phòng, có ý nghĩa quan trọng trong giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới Tây Bắc của Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy BĐBP Điện Biên, khẳng định.

    4 năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương khảo sát các bản giáp biên, đánh giá những thuận lợi, khó khăn của đồng bào các dân tộc và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của hai bên để xác định quy mô, phạm vi, nội dung kết nghĩa phù hợp. Đến thời điểm này, 8 bản giáp biên giới thuộc các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà của tỉnh Điện Biên đã tổ chức kết nghĩa với 8 cụm dân cư biên giới của huyện Mường Mày (tỉnh Phông Sa Lỳ) và huyện Phôn Thoong (tỉnh Luông Phra Băng). Tại các địa bàn trên, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng hai bên biên giới đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 6.075 lượt người dân hai bên biên giới hai nước. BĐBP Điện Biên cùng chính quyền hai bên đã chủ động, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, cấp thuốc miễn phí trên 700 triệu đồng cho nhân dân bên kia biên giới...

    Thông qua hoạt động kết nghĩa, phong trào quần chúng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn hai bên đối diện được nâng cao. Công tác quản lý, nắm tình hình địa bàn, khu vực biên giới hai bên đối diện được tăng cường. Ý thức trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ đường biên giới, cột mốc... của người dân được nâng lên rõ rệt.

    Có thể khẳng định “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” là một điểm sáng trong công tác đối ngoại Biên phòng, cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đối ngoại Quốc phòng, ngoại giao Nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Trong thời gian tới, BĐBP Điện Biên tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nhân rộng mô hình kết nghĩa trên toàn tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Điện Biên.

  • Tác giả: Long Ngũ - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên
  • Tuần Giáo: Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri
    Thị xã Mường Lay trao “Nhà đại đoàn kết” cho hộ nghèo
    Xây dựng mô hình điểm đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường
    Ông Giàng Dũng Hầu, người có uy tín bản Hua Huổi Luông, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay
    Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thăm và chúc mừng Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 87 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/2017-18/11/2017)
    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 87 năm xây dựng và trưởng thành
    Ủy ban MTTQ tỉnh: Thăm, tặng quà nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và anh hùng lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh
    Thành phố Điện Biên Phủ: Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND 2 cấp tỉnh và thành phố tại phường Thanh Trường
    Lễ kết nghĩa giữa bản Nậm Ty 1, 2 Việt Nam với bản Huội Ăn, Lào
    Hội nghị Hiệp thương Kế hoạch giám sát của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh năm 2018
    1911-1920 of 2250<  ...  187  188  189  190  191  192  193  194  195  196  ...  >
  • Website Tỉnh, Thành phố
  • Website Bộ, Ngành
  • Liên kết khác