UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

TỈNH ĐIỆN BIÊN

ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT - THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG
  • Những người lính ở hai mặt trận
  • Thời gian đăng: 9/9/2017 9:08:45 PM
  • Ngày 02/9/1945, tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cất lên trên quảng trường Ba Đình, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của dân tộc Việt Nam, một dân tộc tự do, độc lập, người dân Việt Nam được làm chủ mảnh đất bao đời gắn bó của mình. Trải qua 72 năm, ý nghĩa của ngày 02/9 trong những năm tháng gian khó, như vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người đã sống, đã chiến đấu để gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của nước nhà để cho chúng ta được hưởng tự do như ngày hôm nay.

  • 1. Chúng tôi đến nhà ông Đặng Xuân Thừa, là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông tham gia bộ đội năm 1967, chiến đấu ở chiến trường Quảng trị, Đắc Lắc cho đến ngày giải phóng. Sau khi đất nước thống nhất, ông nhận nhiệm vụ sang Lào làm chuyên gia quân sự tới năm 1980. Về nghỉ chế độ, ông tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của nhân dân và công tác tại huyện Tuần Giáo đến năm 2005. Nghỉ hưu, ông chuyển về thành phố Điện Biên Phủ, làm Trưởng ban Công tác Mặt trận cho tới giờ.

    Cả cuộc đời hoạt động sôi nổi, ông Thừa vẫn giữ đôi mắt tinh anh, dáng người khỏe khoắn. Với giọng nói đầm ấm, chậm rãi và từ tốn, ông kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng chiến đấu gian khó tại chiến trường khốc liệt nhất trong chiến tranh chống Mỹ, chiến trường Quảng Trị. Ông nhớ như in 81 ngày đêm chống chọi với hỏa lực của địch trong hào sâu, khó khăn, thiếu thốn, mưa bom bão đạn ngày đêm không ngớt. Gian khổ là thế, nhưng ông nói: “Trong chiến tranh, chúng ta là những người chính nghĩa, đứng lên bảo vệ Tổ quốc, chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là chiến thắng quân thù để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày ấy chúng tôi không nghĩ về những cái khác, trong đầu chỉ có ý nghĩa đó, ra trận cũng vì điều đó, vậy nên quyết tâm là rất lớn, nó thôi thúc, giục giã mình phải tiến lên, phải chiến đấu, thế thôi”.

    KNQK1.jpg

    (Ông Đặng Xuân Thừa - cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ, Trưởng ban CTMT tổ 18 - phường Tân Thanh - TP. Điện Biên Phủ)

    Nói tới sự hy sinh, ông không khỏi xúc động khi nhớ tới hai người đồng đội của mình, một đồng đội có căn dặn ông trước khi ra trận, một đồng đội khác do chính tay ông chôn cất. Sau hòa bình, ông đã thực hiện theo di nguyện của đồng đội, cho đến giờ vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm gia đình. Nói đến đó, ông lặng lẽ hơn, khuôn mặt đã trải qua bao năm tháng chiến tranh cũng trở nên trầm hơn. Chúng tôi là những thế hệ sau, không trải qua những giờ phút cam go của Tổ quốc, có lẽ chỉ hiểu được phần nào cảm giác ấy. Ông kể, ngày 2/9 thời chiến, không được tổ chức như bây giờ vì điều kiện khó khăn, ngày đó ông và các đồng đội bồi hồi nhớ về bản tuyên ngôn độc lập năm 1945, rồi lại nhớ về cái khoảnh khắc sáng ngày 03/9 nhận tin Bác mất… Tôi chợt hỏi: “Có khi nào bác sợ không?”, và rồi tôi thấy câu hỏi đó thật không cần thiết, ông nói không, dù hy sinh đấy, nhưng ai cũng như ai, cũng một lòng tiến lên phía trước, đồng đội ngã xuống thì phía sau lại tiến lên, cứ như vậy, nó là một dòng chảy, không ngơi nghỉ một chút nào, vì sao ư? vì những người lính chính là hình ảnh chân thực nhất, đại diện cho dân tộc, cho khát vọng tự do.

    Có lẽ khi đó, tất cả người dân Việt Nam đều hướng về Tổ quốc, về cái chung, ông Thừa cũng vậy. Ông trở về lập gia đình vỏn vẹn có 5 ngày đã phải trở lại đơn vị. Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi dường như càng làm dài thêm khoảng thời gian ông chiến đấu. Từ khi tham gia chiến dịch cho tới khi giải phóng, hầu như ông không viết thư về nhà. Bà Quy, vợ ông Thừa vui vẻ kể với chúng tôi về giai đoạn ấy, bà còn kể khi hai người yêu nhau, có đến 5 năm không một dòng thư liên lạc, có lúc bà nghĩ chắc chàng trai kia cũng đã quên mình mất rồi !. Nhưng tình yêu của hai ông bà cũng giống như tình yêu dành cho đất nước mình, nhất mực thủy chung. Ông trở về và xin cưới, 5 ngày sau lại đi đến khi giải phóng mới về. Rồi những năm tháng xa nhà vẫn tiếp diễn cho đến khi ông về nghỉ chế độ. Tuy thế, ông bà không lấy làm buồn vì những ngày tháng xa nhau, trong ánh mắt họ tôi thấy bừng lên niềm vui vì họ nghĩ, hy sinh hạnh phúc bản thân cho dân tộc luôn luôn là điều xứng đáng. Giờ đây, ông bà đã có một đại gia đình hạnh phúc, 5 người con của ông bà đều công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, ngoài ra ông bà còn có 8 người cháu. 

    KNQK2.jpg

    (Giờ đây, hai ông bà hạnh phúc với con cháu trong nhà)

    Trở về địa phương, đến tuổi nghỉ hưu, ông Thừa vẫn chưa ‘’được nghỉ” do nhân dân trong tổ dân phố tín nhiệm, 12 năm làm công tác Mặt trận, đối với ông Thừa là khoảng thời gian tiếp tục cống hiến. Với tinh thần của bộ đội cụ Hồ, ông luôn phát huy tính chiến đấu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, giữ gìn tinh thần đoàn kết, tập hợp trong nhân dân. Tổ dân phố 18 nơi ông làm Trưởng ban Công tác Mặt trận là khu dân cư có nhiều thành tích trong các hoạt động do phường Tân Thanh tổ chức, được chính quyền cấp trên đánh giá cao.

    Chiếc kỷ niệm chương của MTTQ Việt Nam nằm trang trọng bên cạnh các huy hiệu trong chiếc áo bộ đội đã ngả màu thời gian như muốn nói với chúng tôi: Những người lính trên chiến trường năm xưa, giờ vẫn đang tiếp tục cống hiến sức lực của bản thân cho Tổ quốc, thật đáng trân trọng biết bao!.

    2. Cơn mưa chiều mùa hạ, đến nhanh mà cũng nhanh dứt. Nó làm mát cái không khí của buổi chiều oi ả. Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Thanh An cũng như được làm mới hơn. Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh An, huyện Điện Biên.

    Ông Ủy là cựu chiến binh trong chiến tranh biên giới phía bắc giai đoạn 1978-1983 rồi về làm cán bộ xã Thanh An từ đó cho đến nay.

    KNQH3.jpg

    (Ông Nguyễn Quốc Ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh An, huyện Điện Biên, cựu chiến binh chiến tranh biên giới phía Bắc)

    Ông Ủy có có dáng người đậm nét và có phần nghiêm nghị. Kể lại câu chuyện ngày mới nhập ngũ rồi nhận nhiệm vụ lên chiến trường để nằm chốt, ông nói hình ảnh các đồng đội đã hy sinh như còn nguyên vẹn trong tâm trí. Phải mất nửa năm mới thu dọn xong chiến trường ngổn ngang, ông và các đồng đội nhận nhiệm vụ nằm chốt, củng cố trận địa và sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh. Ông vẫn thường nghe những tiếng pháo gần xa, đối với ông, đó là những âm thanh đã quen thuộc. Ông nói: “Những ngày nằm chốt thì không thể nào quên, khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, măng thì tự đi hái, rau tự đi xin, xin dân trong vùng đến từng quả đu đủ, ngày ấy lương thực cấp cho đơn vị chủ yếu là cá khô, thịt ướp, mắm tôm… nhớ nhất là món mắm tôm kho mầm giềng !”. Trong quân ngũ, những ngày 02/9 không có điều kiện tổ chức như bây giờ, thứ nhất vì còn khó khăn, thiếu thốn, thứ nữa cũng vì tiếng súng vừa mới yên, người lính phải tạm gác niềm vui để tập trung làm nhiệm vụ. Qua lời kể của người cựu chiến binh, tôi có thể thấy trong ông toát lên tinh thần, sự quyết tâm và niềm tự hào khi nói về ngày độc lập của dân tộc.

    KNQH4.jpg

    (Hình ảnh thường nhật của ông Ủy) 

    Trở về địa phương, ông tham gia làm Xã đội trưởng, tới năm 2000 chuyển sang làm công tác Mặt trận, cho tới giờ đã làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh An khóa thứ 3. Trong công tác Mặt trận, ông xác định việc dễ mà khó nhất là phải được lòng nhân dân, làm cho dân tin tưởng vào mình, muốn thế, bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong mọi việc, từ công tác chuyên môn cho đến sinh hoạt đời thường. Trong đời sống, ông quan tâm tới dạy dỗ con cháu, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết với hàng xóm, nhân dân địa phương, tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi trồng trọt mô hình hộ gia đình. Trong công tác, ông luôn chủ động, tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

    Xã Thanh An dự kiến sẽ về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017, trong thành quả ấy không thể không nhắc tới sự đóng góp của ông Ủy, người lính năm nào đã trở về địa phương để cống hiến sức lực, quyết tâm dựng xây quê hương mình ngày càng giàu đẹp.

    3. Hai câu chuyện với hai nhân vật khác nhau, thời điểm bắt đầu và kết thúc cũng không giống nhau. Nhưng đã là người lính cụ Hồ, người con của dân tộc Việt Nam thì dù chiến đấu ở nơi đâu, chiến trường nào cũng đều xuất phát từ hai tiếng thiêng liêng “độc lập, tự do”.

    Ngày 02/9 năm nay là kỷ niệm 72 năm bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, là thời điểm mà cả thế giới được biết về đất nước Việt Nam tự chủ. Giờ đây, Việt Nam đã có những bước phát triển to lớn, vững bước trên con đường XHCN, người dân được làm chủ đất nước, được tự do và được tạo mọi điều kiện để phát triển, đó là thành quả mà cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta có được, cuộc chiến của những người như ông Thừa, ông Ủy. 

    KNQH5.jpg

    (Đây là đất trời của tự do và hòa bình, hiện tại và tương lai)

    Không còn bom đạn, không còn tiếng súng, mặt trận trên chiến trường đã không còn nữa. Ông Thừa và ông Ủy lại tham gia ở một “mặt trận” khác, đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nguồn sức mạnh lớn lao hơn hết thảy, đã giúp đất nước ta vượt mọi gian lao thử thách từ hàng nghìn năm qua. Hai ông lại tiếp tục mang tinh thần, ý chí, sự quyết tâm của người lính năm xưa để tuyên truyền, vận động nhân dân cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp, để mãi có những ngày 02/9 trong hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc.

  • Tác giả: Ban Tổ chức – Tuyên giáo
  • Tổ đại biểu số 8 Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc cử tri
    Tuần Giáo tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2021
    Tuần Giáo: Kiểm tra nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2021
    MTTQ VIỆT NAM TỈNH ĐIỆN BIÊN - ĐỊA CHỈ KẾT NỐI, LAN TỎA NHỮNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI TRONG ĐẠI DỊCH
    KHỐI MTTQ VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TỈNH VIẾNG NGHĨA TRANG CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ
    Thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021)
    Nữ cán bộ Mặt trận tiêu biểu
    TIẾP NHẬN 200 TRIỆU ĐỒNG ỦNG HỘ QUỸ VACXIN PHÒNG, CHỐNG COVID-19
    Những ngôi nhà mang tên “Đại đoàn kết”
    Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
    1131-1140 of 2247<  ...  109  110  111  112  113  114  115  116  117  118  ...  >
  • Website Tỉnh, Thành phố
  • Website Bộ, Ngành
  • Liên kết khác