UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

TỈNH ĐIỆN BIÊN

ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT - THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG
  • Thực hiện hiệu quả 5 việc, 4 nội dung nâng cao đời sống các dân tộc thiểu số (*)
  • Thời gian đăng: 11/8/2024 3:09:14 PM
  • dtts2.jpg

    Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ IV.

    Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, coi việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số là trách nhiệm, nghĩa vụ và là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và Người dạy: Đồng bào các dân tộc Việt Nam là con một nhà, cây một cội, do vậy, cần phải đoàn kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết// Thành công, thành công, đại thành công” tất cả vì một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của nước ta”.

    Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối và chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

    Đến nay, chúng ta vui mừng nhận thấy, diện mạo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những đổi thay tích cực. Kinh tế liên tục tăng trưởng qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điểm sáng về sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung như cà phê, mắc ca, chè, cao su, dược liệu; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Nậm Pồ, Mường Lay, Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé... thu hút ngày càng đông du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đồng thời từng bước thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà.

    Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong vùng được quan tâm đầu tư; các lĩnh vực y tế, văn hóa - giáo dục có nhiều tiến bộ. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện, một số vấn đề bức thiết như: xóa nhà tạm, bố trí ổn định dân cư, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình thiếu đất sản xuất… được tập trung giải quyết có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, từ 34,9% năm 2021 hiện còn 25,68%.

    An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại của cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào, Việt - Trung được chú trọng, ngày càng đi vào chiều sâu. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm.

    Các phong trào thi đua yêu nước đã được đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả, nhất là phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Mái ấm cho người nghèo biên giới’’“Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”... đặc biệt là phong trào thi đua “Lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ",… Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Những kết quả đó đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh thời gian qua.

    Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, những thành tích mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

    ...Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ IV diễn ra trong thời điểm toàn tỉnh đang quyết tâm, nỗ lực thi đua, phấn đấu thực hiện, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Trong đó, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức.

    Đời sống đồng bào tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều vất vả; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc có nơi, có thời điểm chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào vẫn còn biểu hiện thiếu quyết tâm vượt khó vươn lên.

    dtts1.jpg

    Quang cảnh Đại hội.

    Tôi bày tỏ thống nhất cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029 được nêu trong Báo cáo chính trị và các ý kiến tham luận tại Đại hội. Đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới. Tôi đề nghị Đại hội tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo và các ý kiến tham luận tại Đại hội để bổ sung, cụ thể hóa vào Quyết tâm thư Đại hội giai đoạn 2024-2029. Tại Đại hội này, tôi nhấn mạnh và gợi mở một số nội dung như sau:

    Với nhân dân các dân tộc thiểu số của tỉnh, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi mong thực hiện tốt 5 việc:

    Thứ nhất: Nhân dân các dân tộc thiểu số tiếp tục giữ tình đoàn kết. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức, bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân. Trước những thay đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực như hiện nay, hơn bao giờ hết, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục phát huy cao độ khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách, cùng nhau xây dựng bản làng ấm no, quê hương giàu đẹp. Sức mạnh đoàn kết phải được bắt đầu từ tình thương yêu trong mỗi gia đình; sự gắn kết giữa các dòng họ; tinh thần tương trợ, “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa các hộ dân; kết nghĩa, sẻ chia giữa các bản làng, đoàn kết giữa các dân tộc...

    Thứ hai: Nhân dân các dân tộc thiểu số tiếp tục giữ tài nguyên đầu nguồn. Có thể nói, với không gian rộng lớn trên 9.539km2, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh là nơi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, quý giá, nhất là rừng, nước, khoáng sản. Nơi đây là không gian sống, điều kiện sống, là sinh kế hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời là khu vực dễ bị tổn thương. Mỗi tác động tiêu cực, bất hợp lý ở khu vực đầu nguồn có ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường, hệ sinh thái chung của cả tỉnh, cả nước, thậm chí là toàn cầu.

    Do vậy, bên cạnh trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào dân tộc thiểu số luôn nêu cao ý thức giữ rừng, giữ nước đầu nguồn như chính cuộc sống của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép. Nỗ lực thay đổi tập tục canh tác theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên đầu nguồn, góp phần quan trọng phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

    Thứ ba: Nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa. Tỉnh ta có tới 18 dân tộc thiểu số, đồng nghĩa có 18 giá trị, bản sắc văn hóa khác nhau, tạo nên bức tranh đậm màu sắc, phong phú và đa dạng. Tuy vậy, trước những thay đổi nhanh chóng của thời đại, nhiều văn hóa tốt đẹp của đồng bào đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

    Do đó đồng bào ta hãy luôn nâng niu, tự hào và giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Đó là truyền dạy cho con cháu mình biết yêu, biết nói, biết viết chữ của tổ tiên để lại; biết hát các bài hát, nhảy các điệu múa, nấu các món ăn, mặc trang phục của dân tộc mình trong mỗi sự kiện, lễ hội quan trọng. Truyền dạy cho con cháu về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về lòng yêu nước, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về ý thức chấp hành pháp luật. Động viên, khuyến khích con cháu nỗ lực học tập vì ngày mai tươi sáng. Đồng thời kiên quyết bài trừ các hủ tục, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

    Thứ tư: Nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục tự tin, tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên. Có thể nói, Đảng, Nhà nước và tỉnh ta đã, đang tập trung, ưu tiên dành nhiều nguồn lực quan trọng hỗ trợ phát triển vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia. Những nguồn lực này là bước đầu, là điều kiện cần nhưng chưa thể đủ so với những thiếu thốn, khó khăn, thách thức ở nơi đây. Để có những vườn cây ăn quả, mắc ca, cà phê, chè dọc sườn đồi, những vườn dược liệu quý hiếm, có giá trị cao dưới tán rừng, những đàn gia súc, gia cầm số lượng lớn... thì ý chí, quyết tâm vượt khó của bà con ta phải đủ lớn, dám mạnh dạn thay đổi và lao động chăm chỉ; biết tận dụng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực huy động khác.

    Thứ năm: Nhân dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục giữ yên biên giới. Trên tuyến biên giới dài hơn 455km của tỉnh, ngoài lực lượng chức năng, đồng bào các dân tộc thiểu số chính là “tai mắt”, là “cột mốc sống” vùng biên cương. Mong rằng, mỗi đồng bào ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia tuần tra canh gác, tố giác tội phạm; tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào, Việt - Trung góp phần giữ được “trong ấm ngoài êm”.

    Để đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh thực hiện tốt 5 việc trên, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh triển khai nghiêm túc, có hiệu quả 4 nội dung sau:

    Một là: Tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài trong quá trình phát triển của tỉnh. Bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ của tỉnh về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao; quyết tâm, nỗ lực thi đua, phấn đấu thực hiện, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, lập thành tích chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

    Hai là: Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, điện, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông, nước sạch, văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại ... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Chú trọng đổi mới và tổ chức lại phương thức sản xuất cho đồng bào theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển dịch vụ, nhất là các phiên chợ biên giới, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

    Ba là: Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, tránh thất thoát, trục lợi chính sách, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và đồng bào.

    Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền; đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là ở các thôn, bản, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nguy cơ không còn chi bộ đảng. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để dẫn dắt, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách.

    Bốn là: Chủ động, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách tự do, tín ngưỡng, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm. Nắm chắc tình hình an ninh biên giới, an ninh vùng đồng bào dân tộc; xây dựng đường biên giới với nước bạn Lào, Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững.

    -------------------------

  • Tác giả: https://baomoi.com/
  • Nguồn tin: https://baomoi.com/
  • Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tại kỳ họp thứ Mười Bảy, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XV
    Kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đối với công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh
    Giao ban Cụm thi đua các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc năm 2024
    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, tại huyện Tủa Chùa
    Dự kiến Chính phủ giảm 5 bộ, Quốc hội giảm 4 ủy ban
    Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy không thể chậm trễ
    Tổng kết công tác Mặt trận cấp huyện năm 2024
    Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao hỗ trợ kinh phí xây dựng 02 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại huyện Mường Ảng
    Huyện Tủa Chùa: Tổ chức giám sát việc thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn huyện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 1 từ năm 2021- 2025
    Hội nghị hiệp thương Kế hoạch giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh năm 2025
    1-10 of 2283<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >
  • Website Tỉnh, Thành phố
  • Website Bộ, Ngành
  • Liên kết khác