|
Luật Hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở. Chính vì vậy hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều chủ động, kịp thời ban hành hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở tới các cấp Mặt trận; tham gia Hội đồng PHPBGDPL của tỉnh kiểm tra đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở. Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, đặc biệt là gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội; phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
(Tổ hòa giải bản Pa Pốm, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ)
Dưới sự hướng dẫn của Mặt trận cấp xã, Trưởng các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã làm tốt công tác thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải, hòa giải viên. Hòa giải viên được lựa chọn, giới thiệu là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, hiểu biết pháp luật, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định. Trong quá trình hoạt động các Tổ hòa giải luôn phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể để triển khai có hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Kịp thời kiến nghị với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ đó, đến nay toàn tỉnh có 1.449 Tổ hòa giải với 7.958 hòa giải viên (trong đó Nam là 1.657, Nữ là 1.801, 6.773 người là dân tộc thiểu số). Trong nhiệm kỳ 5 năm (2019-2024), các tổ hoà giải đã hoà giải 6.084 vụ trong đó hoà giải thành 4.969 (đạt 81,6%). Riêng 9 tháng đầu năm 2024, các Tổ đã thực hiện hòa giải 347 vụ, trong đó đạt 77,8% hòa giải thành (270 vụ). Các vụ việc chủ yếu là tranh chấp về đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình, tranh chấp nhỏ trong hoạt động cộng đồng.
Năm 2024 tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Điện Biên về quy định mức chi đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh tới các cấp Mặt trận, các Tổ hòa giải. Với Nghị quyết mới này, từ năm 2024 mức chi cho hoạt động của Tổ hòa giải, thù lao hòa giải được tăng lên, góp phần khích lệ động viên công tác hòa giải đạt hiệu quả.
Thông qua hoạt động hòa giải, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã kịp thời được tuyên truyền, phổ biến rộng đến cộng đồng dân cư; đồng thời, giúp giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp từ địa bàn dân cư góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân. Tuy nhiên, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn hạn chế như một số địa phương nhân sự tổ hòa giải còn nhiều biến động, việc kiện toàn Tổ hòa giải còn chậm; trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm hòa giải của các hòa giải viên hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác hòa giải chưa cao.
(Tổ hòa giải bản Đứa, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo)
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục phối hợp ngành Tư pháp triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành; nghị quyết, chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về công tác hòa giải ở cơ sở. Chủ động, tích cực phối hợp với Hội đồng PBGDPL kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Hai là, hướng dẫn, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải ở cơ sở theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn; đề xuất để tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng Hòa giải cho các hòa giải viên, trang bị tài liệu pháp luật liên quan, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, khó khăn trong tiếp cận thông tin pháp luật.
Ba là, phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi nhằm truyền tải đến hòa giải viên những kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, sinh động, dễ áp dụng vào thực tiễn, đây cũng là dịp để các hòa giải viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở.
Bốn là, thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, phản ánh kiến nghị của các Tổ hòa giải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để phối hợp với UBND cùng cấp xử lý, giải quyết hoặc báo cáo cấp có trêm có thẩm quyền giải quyết kịp thời.