ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM CÁC CẤP TỈNH ĐIỆN BIÊN THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI MTTQ VIỆT NAM TỈNH ĐIỆN BIÊN KHÓA XII, NHIỆM KỲ 2019-2024
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH CÁC TÔN GIÁO VÀ NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý
  • Thời gian đăng: 12/16/2021 8:07:07 AM
  • MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC

    VẬN ĐỘNG CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH CÁC TÔN GIÁO VÀ NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý

                 TS. Nguyễn Văn Thanh[1]

    1. SỰ CẦN THIẾT CỦA CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH CÁC TÔN GIÁO

    1.1. Một số khái niệm liên quan

    - Chức sắc: Theo Đại từ điển Tiếng Việt, do Nguyễn Văn Ý chủ biên, Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, ấn hành năm 1998 thì: “Chức sắc là người có chức vị trong một số tôn giáo”. Trong Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, phát hành năm 1996 định nghĩa: “Chức sắc là chức – phẩm”. Như vậy, chức sắc gồm có chức vị và phẩm hàm. Trên cơ sở đó, trước đây chúng ta nhìn nhận: Chức sắc tôn giáo trước hết là những nhà tu hành tôn giáo và có chức vị, phẩm hàm do tổ chức giáo hội tôn giáo phong hoặc suy tôn, suy cử.

    Như vậy khái niệm chức sắc tôn giáo chỉ một phạm vi hẹp hơn khái niệm nhà tu hành tôn giáo. Trong từng tôn giáo, cách hiểu trước đây về chức sắc tôn giáo như sau:

    Đối với đạo Phật: chức sắc là các vị có chức vị trong hệ thống tổ chức giáo hội và có giới phong giáo phẩm từ: Đại đức, thượng toạ, hoà thượng (đối với tăng) và các vị: Sư cô, ni sư, ni trưởng (đối với ni) .

    Đối với đạo Công giáo: là các vị có chức vị trong hệ thống tổ chức giáo hội, hội dòng và sắc phong, phẩm hàm, giáo phẩm: Linh mục, tu sĩ nam nữ, giám mục phó, giám mục phụ tá, giám mục, tổng giám mục, hồng y.

    Đối với đạo Tin Lành: là các vị có chức vị trong hệ thống tổ chức giáo hội, hội thánh và phẩm hàm: Truyền đạo (Giảng sư) và Mục sư.

    Đối với đạo Cao Đài là các vị có chức vị trong hệ thống tổ chức hội thánh và phẩm hàm từ Giáo hữu trở lên (Giáo hữu, giáo sư, phối sư, đầu sư...). Ngoài ra, với mỗi phẩm hàm đó lại bao gồm 3 ngành: Thái (ngành Đạo - áo xanh); Thượng (ngành Phật - áo vàng); Ngọc (ngành Nho - áo đỏ).

    Đối với đạo Hồi: là các vị Imâm, Giáo cả (Hakim), phó Giáo cả (Naeb Hakim) và có chức vị trong Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, các vị là Trưởng ban quản trị thánh đường hoặc khu vực…

    Đối với Minh Sư đạo:Các vị có phẩm hàm Thái Lão sư, Đại Trưởng lão, Đại Lão sư, Lão sư, Bảo ân, Dẫn ân, Chứng ân, Thiên ân tham gia trong Hội đồng Trưởng lão, Ban Trị sự Giáo hội ở cấp Trung ương; tỉnh, thành phố và Phật đường.

    Đối với Minh Lý đạo - Tam Tông Miếu: Các vị có phẩm hàm Giác Tịnh sư, Siêu Tịnh sư/cô, Vĩnh Tịnh sư/cô, Khiết Tịnh sư/cô, Thanh tịnh sư/cô và Tâm Tịnh sư/cô tham gia trong Hội đồng Hội thánh, Viện Bảo đạo và Viện Hành đạo (Ban Quản trị, Cửu vụ và các Chi đạo).

    Đối với Phật giáo Hoà Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Baha'i ở Việt Nam…: không có chức sắc mà chỉ có chức việc.

    Khoản 8, Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định: "Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức".

    - Chức việc: Trước đây trong các tài liệu và trong hoạt động thực tiễn chúng ta nhìn nhận Chức việc là các vị tín đồ được cộng đồng một tôn giáo ở cơ sở bầu ra hoặc được uỷ nhiệm, phân công nhằm phụ trách một số sinh hoạt đạo, đời nào đó hoặc giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở tôn giáo… Họ không phải là chức sắc, cũng không phải là nhà tu hành chuyên nghiệp.

    Ví dụ: các vị chánh trương, trùm trưởng (trong đạo Công giáo); các vị Trưởng ban hộ tự (trong đạo Phật); các vị tín đồ trong Ban cai quản thánh thất (đạo Cao Đài)…

    Khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, trong Khoản 9 Điều 2 của Luật quy định:  "Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáobổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức".

    - Nhà tu hành:Trước đây khái niệm Nhà tu hành được dùng để chỉ những người tu hành chuyên nghiệp của các tôn giáo, kể cả trong tổ chức giáo hội, dòng tu, tu viện, các trường đào tạo… của tôn giáo hoặc có thể ngoài đời (tu tại gia) không phân biệt chức vị và phẩm hàm tôn giáo của họ. Như vậy, khái niệm nhà tu hành tôn giáo chỉ một phạm vi rộng hơn, bao trùm hơn khái niệm chức sắc tôn giáo.

    Khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, tại Khoản 7, Điều 2 của Luật quy định: "Nhà tu hành là tín đồ xuất gia,thường xuyên thực hiện nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo".

    1.2. Sự cần thiết của công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo

    Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo ở nước ta là một lực lượng khá đông đảo với khoảng 70.000 chức sắc, nhà tu hành và 112.000 chức việc[2]. Đây là những người có vai trò, uy tín và ảnh hưởng lớn trong quần chúng tín đồ ở các khu dân cư có đạo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Tiếng nói của họ có trọng lượng lớn, có lúc có nơi giữ vai trò quan trọng (thậm chí là quyết định) đến lập trường, tư tưởng và thái độ của tín đồ. Khi tín đồ còn đang băn khoăn về một điều gì đó, nếu có sự tác động của chức sắc, nhà tu hành thì người tín đồ dễ dàng nhận thức được vấn đề và thực hiện. Vì vậy công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo có một ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tôn giáo nói chung. Mặt khác, công tác vận động chức sắc, nhà tu hành lại gắn liền và có mối quan hệ hữu cơ với công tác vận động quần chúng tín đồ. Làm tốt công tác vận động chức sắc, nhà tu hành sẽ góp phần tích cực trong việc vận động tín đồ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và ngược lại làm tốt công tác vận động quần chúng tín đồ sẽ góp phần tạo ra môi trường xã hội thuận lợi, trên đó tiến hành công tác vận động chức sắc, nhà tu hành đạt hiệu quả.

    Thực tế cho thấy, làm tốt công tác vận động tín đồ sẽ tạo ra một môi trường và dư luận có tác động không nhỏ tới chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo. Phong trào thi đua yêu nước lên cao ở một vùng có đông tín đồ tôn giáo không thể không tác động và tạo sự chuyển biến đối với nhận thức, tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm... của một chức sắc, nhà tu hành tôn giáo nào đó đối với đất nước, cộng đồng và dân tộc.

    Có thể nói vận động chức sắc, nhà tu hành và tuyên truyền vận động tín đồ là hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ mật thiết và khăng khít.

    2- MỤC TIÊU VẬN ĐỘNG CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH TÔN GIÁO

    Động viên và tổ chức hành động tự giác tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, tổ chức các tôn giáo, liên hệ chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước và cách mạng của đông đảo tín đồ và của toàn dân; đồng thời góp phần xây dựng tôn giáo và tổ chức tôn giáo trong sáng, hướng thiện, gắn bó đồng hành với dân tộc và chế độ.

    Trên cơ sở đó, tập hợp, đoàn kết rộng rãi hàng chức sắc, nhà tu hành, chức việc tiêu biểu các tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ban chấp hành các đoàn thể và các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND 3 cấp); lấy việc xây dựng đội ngũ cốt cán làm trung tâm và không ngừng xây dựng, mở rộng và phát huy lực lượng người tiêu biểu có uy tín trong các tôn giáo.

    2.1- Về hành động và nhiệm vụ

    Trước hết, lấy chính sách, pháp luật và nội dung các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình hành động làm mục tiêu để tập hợp và hướng dẫn, giúp đỡ các chức sắc, nhà tu hành, chức việc tự giác tham gia thực hiện từ thấp đến cao, nhằm góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, chủ động tích cực hội nhập quốc tê vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", phát huy nguồn lực các tôn giáo đóng góp vào nguồn lực và sức mạng chung của toàn dân tộc nhằm công nghiệp hoá, hiện đại hoá và dân chủ hoá nước nhà, đồng thời xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

    2.2- Về con người và tổ chức

    Từ thực hiện chính sách, nhiệm vụ, thông qua phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác ích nước lợi dân, phù hợp với giáo lý, giáo luật các tôn giáo để tập hợp, đoàn kết đông đảo chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trong ngôi nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc và tham gia trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Từ đó phát hiện, bồi dưỡng để xây dựng con người và đội ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành tích cực, tiền tiến và nòng cốt.

    Xác định mục tiêu vận động bao gồm cả về việc và người. Một bài học kinh nghiệm đã trở thành nguyên tắc là phải thông qua thực tiễn nhiệm vụ và phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động toàn dân, các chương trình phối hợp để xây dựng con người và đội ngũ tiên tiến, gắn liền thực hiện "việc tốt" với xây dựng "người tốt" trong đội ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành.

    Chính phong trào Công giáo yêu nước trong kháng chiến chống Pháp và phong trào Công giáo thi đua chống Mỹ cứu nước đã xây dựng, nuôi dưỡng tổ chức Uỷ ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc yêu hoà bình và hàng trăm linh mục, tu sĩ yêu nước, tiến bộ gắn bó với Mặt trận các cấp. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần "hộ quốc an dân", đại bộ phận tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay trong cả nước đã được củng cố, nâng cao về tinh thần yêu nước và giác ngộ chính trị, từng bước trở thành những chức sắc, nhà tu hành "khế lý khế cơ" với đất nước và chế độ mới.

    Với kinh nghiệm có tính quy luật như thế, Mặt trận chủ trì và phối hợp với các ban ngành chức năng của Nhà nước hoàn toàn có thể đưa hàng chức sắc, nhà tu hành Công giáo, Tin Lành và các tôn giáo khác vào quá trình vận động có mục tiêu của mình. Như C.Mác đã chỉ rõ: "Nhà nước ấy, xã hội ấy, tôn giáo ấy"(*); phải đặt mục tiêu vận động tôn giáo trong mục tiêu chung vận động toàn dân xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

    3- NỘI DUNG VẬN ĐỘNG, TẬP HỢP

    Nội dung vận động, tập hợp chức sắc, chức việc và nhà tu hành các tôn giáo bao gồm:

    3.1- Vận động, tập hợp về chính trị - xã hội

    Động viên, hướng dẫn các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành tự giác nhận thức và tự nguyện thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình hành động của Mặt trận, đoàn thể đề ra, từ vận động xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, cơ sở tôn giáo đến tham gia các công việc chung, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc quy mô lớn.

    Thường xuyên vận động chức sắc, nhà tu hành đoàn kết, gắn bó với tín đồ của mình và cùng với toàn dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và các địa phương.

    Trong kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, nhiều quý vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động cách mạng, các phong trào yêu nước, các cuộc vận động. Đặc điểm cần chú ý là: các hoạt động và phong trào ấy đều có điểm chung là nếu không đồng thuận hoặc góp phần làm sáng tỏ, thì cũng không trái ngược hoặc xâm phạm tinh thần giáo lý, giáo luật các tôn giáo. Do đó, khi tham gia hưởng ứng và thực hiện các nội dung phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và chương trình phối hợp, các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc thấy cũng chính là hiện thực hóa các giá trị đạo đức, nhân văn trong giáo lý của tôn giáo mình trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng tôn giáo và tín đồ.

    Về nội dung vận động chính trị - xã hội, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

    - Vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia các tổ chức giáo hội tôn giáo đã được Nhà nước công nhận pháp nhân và ủng hộ đường hướng tiến bộ của các tổ chức giáo hội đã đề ra:

    Vận động các vị giáo phẩm (hồng y, tổng giám mục, giám mục, giám mục phó, giám mục phụ tá), bề trên các dòng tu, các vị linh mục, các nam nữ tu sĩ thực hiện tốt đường hướng của Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980: “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, Huấn từ của đức Giáo hoàng Benedicto XVI năm 2009, Sứ điệp Đại hội Dân Chúa năm 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Huấn dụ của Giáo hoàng Phan xi cô...

    Vận động các vị giáo phẩm (hoà thượng, thượng toạ, ni trưởng, ni sư), các vị đại đức, sãi cả, sư cô tiêu biểu thuộc các hệ phái Phật giáo khác nhau tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo các cấp, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

    Vận động các vị chức sắc, chức việc các hệ phái Cao Đài tham gia các tổ chức, Hội thánh Cao Đài đã được Nhà nước công nhận, thực hiện đường hướng “Nước vinh Đạo sáng”.

    Vận động các vị chức sắc của đạo Tin Lành (mục sư, mục sư nhiệm chức, giảng sư, truyền đạo) tham gia các tổ chức Hội thánh Tin Lành đã được công nhận, đăng ký hoạt động, thực hiện phương châm “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”...

    - Vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia các tổ chức xã hội tôn giáo, cụ thể như:

    Vận động, tập hợp các vị linh mục, các vị nam nữ tu sĩ tiêu biểu tham gia tổ chức Uỷ ban Đoàn kết Công giáo các cấp, làm nòng cốt thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, làm cầu nối giữa Nhà nước với Giáo hội, thực hiện "tốt đời đẹp đạo".

    Vận động các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer tham gia Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (đối với các tỉnh Tây Nam bộ có tổ chức Hội).

    - Vận động, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tiêu biểu các tôn giáo tham gia: Quốc hội, HĐND, UBMTTQ các cấp và ban chấp hành các tổ chức thành viên của Mặt trận như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội người cao tuổi, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi… Qua đó phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc và ý thức công dân của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, đặc biệt là các vị chức sắc chức việc cao cấp đứng đầu các tôn giáo ở trung ương cũng như ở địa phương.

    - Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, học tập các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến tôn giáo. Ngoài ra cần có kế hoạch thường xuyên và định kỳ thông tin về tình hình trong nước và thế giới cho chức sắc, nhà tu hành để họ chủ động cùng đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung của đất nước.

    Phối hợp với các ban ngành chức năng ở địa phương tuyên truyền, giới thiệu về các Nghị quyết của BCHTW Đảng khoá IX Về đại đoàn kết toàn dân tộc, Về công tác tôn giáo; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 162 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay", Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo, Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… đồng thời thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, tình hình thế giới… cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo trong các kỳ tĩnh tâm của đạo Công giáo, các kỳ An cư kiết hạ của đạo Phật, các lớp tu học giáo lý của các tôn giáo khác, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề hoặc trong các trường đào tạo tôn giáo: Đại chủng viện, Học viện Phật giáo, trường cao đẳng và trung cấp Phật học, trường Thánh kinh Thần học, Học viện truyền giáo Cao Đài...

    - Mở rộng các hình thức tiếp xúc, gặp gỡ giữa các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp... với các cử tri, với quần chúng tín đồ tôn giáo để các các đại biểu dân cử nắm được tình hình cơ sở, nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân; đồng thời tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước...

    3.2- Vận động về văn hoá tinh thần

    Ở đây, trực tiếp và thiết thân với đối tượng là về tín ngưỡng tôn giáo.

    Trước hết là vận động các chức sắc, nhà tu hành thực hiện tự do tín ngưỡng tôn giáo trên cơ sở tôn trọng chính sách pháp luật; góp phần gìn giữ, bồi dưõng, phát huy các yếu tố nhân văn trong sáng, lành mạnh và hướng thiện; góp phần nâng cao đời sống tinh thần và giá trị con người. Đồng thời, vận động họ góp phần xây dựng nền văn hoá mới, tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tôn giáo được coi như một giá trị văn hoá có thể đóng góp làm phong phú thêm đời sống văn hoá của nhân dân và cộng đồng xã hội.

    Trên cơ sở đó, phân biệt và khắc phục, loại trừ dần mê tín, hủ tục cùng các yếu tố hư xấu, độc hại về tinh thần.

    Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của vận đề tôn giáo ở nước ta, chính sách và công tác tôn giáo thời gian qua được nhìn nhận, giải quyết về mặt chính trị tôn giáo là chủ yếu; thậm chí nhiều trường hợp phải đặt nặng xử lý mặt chính trị phản động lợi dụng tôn giáo như một đòi hỏi cấp bách. Có lúc công tác tôn giáo từng được coi là một đối tượng công tác đặc biệt về chính trị. Nhưng trong điều kiện mới, khi quan hệ giữa tôn giáo với xã hội và Nhà nước ta trở nên bình thường, thì tôn giáo sẽ dần dần chủ yếu tồn tại và được đối xử như một lực lượng văn hoá tinh thần.

    Hình thái ý thức tôn giáo và hình thái ý thức chính trị vốn khác nhau, tuy hình thái chính trị có tác động, chi phối rất mạnh mẽ, thường xuyên và sâu sắc, nhưng bản thân tôn giáo không phải là chính trị. Đi quy y, làm phép báp - têm, cầu nguyện, rước kiệu, thụ giới, khấn dòng, chịu chức thánh... bản thân nó không phải là những hành vi chính trị. Do đó, không chỉ tiếp cận, đối xử với các chức sắc về mặt chính trị, mà phải nhìn nhận khách quan, đầy đủ mặt tôn giáo của họ, trong công tác quản lý cũng như nhất là trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết. Do vậy Mặt trận cần tiếp tục triển khai các hoạt động:

    - Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, chúc mừng các chức sắc tôn giáo tiêu biểu nhân các ngày lễ trọng của Đạo, những ngày Lễ Tết của dân tộc. Quan tâm giúp đỡ các chức sắc khi họ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau hay phúng viếng khi chức sắc, nàh tu hành qua đời, nhất là với những chức sắc, nhà tu hành là người công, diện gia đình có công, gia đình chính sách.

    Tuỳ theo điều kiện cụ thể của địa phương, có thể tổ chức các đoàn chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đi tham quan các di tích lịch sử văn hoá dân tộc, các danh lam thắng cảnh; tổ chức đi nghỉ mát trong những ngày hè; tổ chức cho chức sắc, nha tu hành các tôn giáo gặp mặt truyền thống và đi thăm viếng lẫn nhau nhân các ngày lễ trọng của dân tộc và tôn giáo để tăng cường đoàn kết giữa các tôn giáo... Kết hợp khi triển khai các hoạt động đó với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội dung các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận, các đoàn thể; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của đồng bào tôn giáo.

    - Vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tích cực tham gia hoặc hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận;

    - Vận động chức sắc, nhà tu hành tôn giáo tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, các hoạt động xã hội hóa y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, đối ngoại nhân dân tôn giáo... theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, địa phương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nên có hình thức thích hợp để ghi nhận đóng góp tích cực của các tôn giáo;

    - Có kế hoạch và biện pháp để bồi dưỡng ý thức dân tộc và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân, đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, phấn đấu cho mục tiêu cao cả của toàn dân tộc;

    Thông qua mạn đàm trao đổi, trò chuyện cũng là yếu tố cần thiết để thu hẹp khoảng cách, đi đến sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau; nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo.

    Cần vận động, đoàn kết chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững kỷ cương phép nước… sao cho ở những khu dân cư có đạo không còn tệ nạn xã hội, không có hoạt động mê tín hủ tục, trật tự an ninh được giữ vững, môi trường sinh thái được bảo vệ. Những mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng tín đồ được các chức sắc tận tình hoà giải, những tín đồ lầm lỗi được cảm hoá để hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng.

    Cụ thể như vận động các chức sắc, chức việc (Chánh trương, trùm trưởng) và tín đồ của đạo Công giáo tham gia phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến; gia đình Công giáo gương mẫu” và vận động các vị chức sắc Phật giáo (đặc biệt là các vị trụ trì các chùa) tham gia phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” hay “Xây dựng chùa cảnh gương mẫu”…

    Bồi dưỡng ý thức dân tộc và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân, đề cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong mỗi chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, phấn đấu cho mục tiêu cao cả của toàn dân tộc. Thông qua mạn đàm trao đổi, trò chuyện cũng là yếu tố cần thiết để thu hẹp khoảng cách, đi đến sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau; nắm bắt  được tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, nhà tu hành tôn giáo.

    3.3- Thông qua vận động chính trị xã hội và vận động văn hoá tinh thần, không ngừng hình thành và bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành, chức việc thành những người tiêu biểu, tiến bộ và nòng cốt, sống "Tốt đời đẹp đạo", gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

    3.4- Mặt trận phát huy dân chủ, tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo và giám sát việc thực hiện chính sách tôn giáo

    Thông qua hoạt động của các tổ chức tư vấn, các cốt cán, cộng tác viên và các hình thức khác, tổ chức thu thập ý kiến đóng góp của quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo vào những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, Mặt trận tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách pháp luật, các dự án, kế hoạch… liên quan đến tôn giáo. Trình bày các sáng kiến pháp luật, pháp quy trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân có liên quan đến tôn giáo.

    Tổ chức nắm bắt, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Tham gia giải quyết những kiến nghị, đề xuất của tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận. Đề xuất ý kiến giải quyết các tranh chấp về lợi ích giữa đạo - đời, giữa đạo - đạo, góp phần giải toả những mặc cảm, thành kiến, xây dựng khối đại đoàn kết đạo - đời ngày thêm vững chắc.

    Thời gian qua, công tác nắm bắt và tập hợp tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo trong hệ thống chính trị đã bước đầu thực hiện khá tốt. Nhưng việc xem xét giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các tôn giáo có việc còn chậm, có việc còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan trong hệ thống chính trị gây phiền hà và làm giảm niềm tin của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước và Mặt trận .

    Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo là giám sát mang tính nhân dân, nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, của đồng bào các tôn giáo, trong đó có chức sắc, chức việc, nhà tu hành, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho Nhà nước ngày càng trong sạch vững mạnh, thực sự mang bản chất nhân dân.

    Trên cơ sở căn cứ pháp lý và chức năng nhiệm vụ của Mặt trận cũng như thực tiễn công tác tôn giáo, có thể hệ thống và cụ thể hoá một số nội dung công tác giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các đại biểu dân cử và công chức Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo như  sau:

    - Phát hiện, kiến nghị và tham gia giải quyết: các hành vi quan liêu, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo; các biểu hiện cơ hội, cực đoan hay trục lợi trong các vấn đề liên quan đến tôn giáo; các hành vi xử lý thô bạo trong quan hệ với các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Qua đó củng cố lòng tin của đồng bào các tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai, tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

    - Phát hiện, kiến nghị kịp thời và tham mưu giúp cấp uỷ Đảng, phối hợp với Chính quyền giải quyết tốt những mâu thuẫn, những mầm mống “điểm nóng” trong các vùng giáo; kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các đại biểu dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước vi phạm chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Lấy việc thực hiện tốt các chính sách tôn giáo làm môi trường thuận lợi để tiến hành công tác vận động chức sắc, nhà tu hành, tổ chức giáo hội và tín đồ các tôn giáo.

    Thực tế cho thấy, Ựỷ ban Mặt trận Tổ quốc nhiều tỉnh, thành phố đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ chức sắc nhà tu hành, giữa chức sắc với tín đồ… qua đó tạo niềm tin yêu, cảm phục của chức sắc nhà tu hành và tín đồ tôn giáo đối với Mặt trận.

    - Tham gia giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo...

    4- PHƯƠNG THỨC VẬN ĐỘNG

    4.1- Vận động, tranh thủ cá biệt và vận động cộng đồng

    Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo có vai trò và đặc điểm cá thể rất rõ rệt, sâu sắc. Sự tu tập của riêng từng người là điều kiện và phương thức sinh hoạt tôn giáo cơ bản của họ. Dù thế nào, mỗi chức sắc, nhà tu hành cũng phải đơn độc lựa chọn hay được chọn (ơn gọi) cuộc đời tu hành và mỗi người phấn đấu đạt những công quả riêng. Trong tổ chức tôn giáo (giáo hội), vai trò cá nhân theo phẩm trật rất được coi trọng; đặc biệt có tôn giáo hết sức coi trọng hình thức, cấp bậc giáo phẩm (thậm chí như Cao đài Chơn lý ở nước ta).

    Do đó phải chú ý tiếp cận, vận động, xử lý cá biệt đối với từng chức sắc, nhà tu hành thế nào cho phù hợp với đặc điểm, tính chất, quyền lợi vật chất tinh thần, tâm lý, quan hệ... của mỗi đối tượng.

    Đồng thời, chức sắc và nhà tu hành sống, sinh hoạt thành cộng đồng. Đạo Phật quy định cứ 3 tăng ni có thể hợp thành một tăng đoàn. Đạo Ki tô cũng cho rằng giữa hai người tin Chúa thì đã có Chúa Ki tô và cả ba có thể hợp thành Hội thánh. Những cộng đồng tu hành và hoạt động tôn giáo như vậy được xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh dần về mặt nội dung và cơ cấu, lực lượng, tổ chức, trở thành các tổ chức tôn giáo, các giáo hội.

    Từ đây, có hai vấn đề đặt ra:

    Một là, phải tiếp cận và vận động từng nhóm, từng tập thể nhỏ chức sắc, nhà tu hành với những quan hệ nội bộ về tư tưởng, tâm lý, tình cảm, quyền lợi và về tổ chức của họ.

    Hai là, phải tiếp cận, vận động các tổ chức tôn giáo, các giáo hội:

    + Các giáo hội, tổ chức tôn giáo trước đây là những thiết chế trong xã hội cũ, chế độ cũ; thậm chí có trường hợp trở thành công cụ thống trị, áp bức nhân dân, trực tiếp là quần chúng tín đồ. V.I. Lênin từng nói đến "chức năng thầy tu" do các tôn giáo (trực tiếp là các giáo hội) đảm đương dưới chế độ thống trị nhân dân. Do vậy, trước năm 1975 trong công tác tôn giáo, về cơ bản đã không đặt ra vấn đề vận động giáo hội, vận động tổ chức tôn giáo về mặt tổ chức như là một công cụ của chế độ địch theo tinh thần và yêu cầu vận động quần chúng. Lúc đó, đối với hàng chức sắc, giáo sĩ các tôn giáo, chúng ta chủ yếu đặt vấn đề tranh thủ những đối tượng có thiện chí; lôi kéo đa số lừng chừng; phân hoá, cô lập bộ phận xấu và trấn áp những phần tử phản động.

    Trong điều kiện mới, đất nước độc lập có chủ quyền, Nhà nước là công cụ làm chủ của nhân dân lao động, trong đó có đông đảo quần chúng tín đồ. Các tôn giáo là thiết chế hợp pháp, có vai trò, vị trí và quyền lợi - trách nhiệm bình đẳng như các thành phần xã hội khác. Do đó, vấn đề vận động các giáo hội, các tổ chức tôn giáo cần được nghiêm túc đặt ra đồng thời với vận động chức sắc, nhà tu hành. Và như vậy, bên cạnh vận động cá biệt, đây cũng là một đối tượng vận động cộng đồng, vận động chung.

    + Tuy nhiên, vấn đề vận động tổ chức giáo hội trong tình hình mới, đòi hỏi phải có yêu cầu nội dung và hình thức, phương pháp vận động thích hợp đối với đường hướng, chương trình hành đạo và tham gia hoạt động xã hội - cũng như đối với tổ chức và nhân sự của nó.

    4.2- Vận động trực tiếp và vận động gián tiếp

    a- Hai điều kiện đầu tiên để vận động trực tiếp là hiểu gần đối tượng. Nói cách khác là điều tra nghiên cứu để hiểu rõ đối tượng về đặc điểm, tính chất, tâm lý, lợi ích, quan hệ... và thiết lập được quan hệ  từ bình thường đến tin cậy với đối tượng.

    Vận động trực tiếp một đối tượng phải chú ý các mặt tác động: nhận thức (giác ngộ), pháp luật (cơ chế), và lợi ích (cả tinh thần, vật chất và xã hội).

    Riêng về lợi ích, cần chú ý đầy đủ, hài hoà cả lợi nghĩa, lợi tình, lợi tài và lợi danh quán xuyến thống nhất:

    Lợi nghĩa: là thoả mãn nhu cầu về tinh thần, lý tưởng, nghĩa vụ, như: vì Tổ quốc, Thiên Chúa hoặc vì đạo pháp, hoặc phụng sự những mục tiêu thấp hơn, hẹp hơn (vì quê hương, xóm họ, giáo dân, người nghèo, thế hệ trẻ...).

    Lợi tình: thuộc về những ân nghĩa, ơn huệ, tình cảm... khác nhau của con người.

    Lợi tài: gồm những hình thức lợi ích vật chất.

    Lợi danh: là nhu cầu đòi hỏi về danh dự, uy tín, tiếng tăm, địa vị và sự kính trọng của xã hội...

    Tóm lại là chú ý cả ba mặt tác động và bốn lợi ích là những mối quan hệ khách quan chi phối, ràng buộc tất cả các cá nhân và các nhóm chức sắc. Thực ra, cơ chế "quan hệ ba tác động, bốn lợi ích" không chỉ vận dụng thích hợp trong vận động trực tiếp và vận động cá biệt mà còn phát huy có hiệu quả trong vận động gián tiếp và vận động cồng đồng.

    b- Vận động gián tiếp bao gồm:

    + Vận động thông qua các tổ chức giáo hội, hội thánh, sơn môn, hệ phái, nhóm...

    + Vận động thông qua các tổ chức xã hội - tôn giáo như Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước ở các tỉnh Tây Nam bộ.

    + Vận động thông qua các phong trào, các cuộc vận động mang tính toàn dân hoặc phong trào, cuộc vận động có tính đặc thù tôn giáo...

    + Vận động thông qua các sinh hoạt chính trị, xã hội của toàn dân và của riêng các cộng đồng tôn giáo...

    + Vận động thông qua các hình thức sinh hoạt văn hoá xã hội, thông qua các lễ hội lớn của tôn giáo, lễ tết của dân tộc .

    + Vận động thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp...

    4.3- Thông qua đối tượng tự vận động

    Đây là phương thức "lấy quần chúng vận động quần chúng, thực chất là vận động quần chúng thông qua cốt cán". Căn cứ phân loại chức sắc 3 bộ phận: tiến tiến - trung bình - lạc hậu và vận dụng phương thức lấy bộ phận tiên tiến làm chỗ dựa, lực lượng xung kích và hạt nhân để mở rộng vận động. Đó cũng là phương thức "phát huy ngọn cờ hiệu triệu", xây dựng điển hình tiên tiến và vận động nhân rộng điển hình tiên tiến. 

    Mặt trận có một kinh nghiệm vận động đã được đúc kết là "lấy đạo giải việc đạo". Đây là một phương thức rất quan trọng, phù hợp quy luật vận động tự thân của tôn giáo, giáo hội cùng quần chúng tín đồ, chức sắc và tránh được áp đặt thô thiển, chủ quan, giản đơn từ bên ngoài.

    Về nội dung, xây dựng, phát huy những quan điểm ý kiến đúng đắn, tiên tiến hay tương đối tiến bộ hơn của chính tôn giáo để thay thế, khắc phục các quan điểm, ý kiến lạc hậu, sai trái.

    Về lực lượng, phát hiện, bồi dưỡng và thông qua những bộ phận nòng cốt và bộ phận tiêu biểu, có uy tín, tích cực để tranh thủ, lôi kéo, nêu gương cho các bộ phận khác trung bình hoặc hạn chế hơn.

    5- PHÂN CÔNG VÀ CHỦ TRÌ TRONG VẬN ĐỘNG CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH TÔN GIÁO

    - Trên cơ sở vận dụng nguyên tắc "tất cả các thành viên Mặt trận đều tham gia vận động chức sắc",xây dựng và phân công tổ chức - cán bộ chuyên trách cùng các thành viên và cộng tác viên làm công tác vận động chức sắc nói riêng, công tác tôn giáo nói chung, trong đó Mặt trận mỗi cấp chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước và các tổ chức thành viên để thực hiện nhiệm vụ vận động, tập hợp chức sắc các tôn giáo.

    - Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ về mục tiêu, yêu cầu, đối tượng và phạm vi chức sắc, nhà tu hành cần vận động

    Thực hiện tốt cơ chế vận hành: Đảng chủ trì, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo - Nhà nước là đầu mối chủ trì thống nhất việc quản lý - Mặt trận là đầu mối chủ trì, thống nhất việc vận động, tập hợp trong công tác tôn giáo nói chung và công tác vận động, tập hợp chức sắc, nhà tu hành tôn giáo nói riêng. Căn cứ vào đó, xây dựng chương trình mục tiêu và kế hoạch vận động thích hợp, có xác định đối tượng, thời gian và mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

    - Phát huy tác dụng của phương thức sử dụng tư vấn, cộng tác viên... về công tác tôn giáo.Những nơi có yêu cầu và điều kiện, có thể thành lập Hội đồng tư vấn hay nhóm Tư vấn về tôn giáo, do bộ phận tổ chức - chuyên trách làm thường trực, gồm các thành viên là Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận và những chức sắc, nhà hoạt động tôn giáo, nhà hoạt động nghiên cứu và thực tiễn về tôn giáo có điều kiện, khả năng.

    - Phát huy vai trò tác dụng của tổ chức và nhân sự chuyên trách công tác tôn giáo của Uỷ ban Mặt trận mỗi cấp và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các ngành của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trực tiếp có liên quan đến chính sách, công tác tôn giáo (như các Ban Dân vận, Tuyên giáo của Đảng, Ban Tôn giáo chính quyền, ngành văn hoá, thông tin, công an, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng...).

    6- Những điểm cần lưu ý trong công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo

    - Muốn làm tốt công tác vận động, tranh thủ chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo phải thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với họ. Muốn buổi gặp gỡ tiếp xúc có kết quả các cán bộ tôn giáo phải hiểu biết và tôn trọng họ. Tạo điều kiện và giúp đỡ chức sắc, nhà tu hành tìm hiểu về truyền thống văn hoá và lịch sử hào hùng của dân tộc.

    - Phương pháp vận động luôn thể hiện sự chân thành, cởi mở, lịch sự, mềm dẻo; phải có kiến thức tâm lý xã hội và thái độ khoan hoà. Thực sự tôn trọng những quy định, những quy tắc ứng xử, những lễ nghi truyền thống, cũng như niềm tin, tình cảm tôn giáo trong đời sống tâm linh của chức sắc, nhà tu hành.

    Khi tiếp xúc, trao đổi cần thể hiện được vị trí của mình, không quá e dè, cũng không xuề xoà quá trớn sẽ gây ấn tượng xấu cho chức sắc, nhà tu hành và làm giảm sự tôn trọng của họ đối với mình.

    Khi cần phải góp ý, uốn nắn những sai trái của họ thì phương pháp phải có lý có tình, nghiêm khắc phê phán những sai trái nhưng rộng lượng, mở đường và giúp họ sửa chữa, tránh hẹp hòi thô bạo, đồng thời tránh xuôi chiều, hữu khuynh.

    - Trong giao tiếp đối thoại, tuỳ từng lúc, tuỳ từng đối tượng mà người cán bộ làm công tác tôn giáo cần vận dụng giáo lý, kinh kệ của tôn giáo khi trao đổi để chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo phấn khởi, dễ hoà đồng vì họ thấy người cán bộ đã hiểu và quan tâm đến tôn giáo của mình. Khi cần thiết có thể nhấn mạnh những mặt tích cực trong đạo đức của tôn giáo phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội mới.

    Điều đặc biệt cần chú ý khi tiếp xúc, gặp gỡ chức sắc nhà tu hành là bên cạnh nhận thức chính trị đúng đắn, người cán bộ tôn giáo không nên coi họ là người “xa lạ”, là cấp dưới hoặc là bề trên của mình, dù cho chức sắc nhà tu hành đó là người tiến bộ hay chưa tiến bộ. Cần nhìn nhận chức sắc, nhà tu hành là những công dân của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và có chủ quyền; là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân.

    - Trong vận động không chỉ quan tâm đến các chức sắc, nhà tu hành tiến bộ mà cần quan tâm cả những chức sắc chậm tiến bộ nhưng thực sự có uy tín trong tín đồ cũng như trong cộng đồng tôn giáo đó. Có thể có những vị chức sắc tôn giáo chưa thân thiện với Chính quyền, Mặt trận hoặc có thái độ chính trị chưa tốt, thậm chí có quan điểm đối lập, nhưng không vì thế mà ta xa rời, bỏ trống mà ngược lại cần kiên trì, tiếp cận thường xuyên để dần dần cảm hoá họ hoặc hạn chế được những mặt tiêu cực và những ý định không tốt của họ.

    - Trong triển khai học tập các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho chức sắc, nhà tu hành, cũng như trong tiếp xúc cần hạn chế tối đa việc nhắc  hoặc khêu gợi lại quá khứ và những “gam màu tối” của các tôn giáo để tránh gây thêm hố ngăn cách và sự mặc cảm trong chức sắc nhà tu hành (trừ những trường hợp và tình huống đặc biệt).

    - Quan tâm đến đời sống của chức sắc, nhà tu hành, nhất là khi họ gặp khó khăn hoặc đau yếu; chủ động đề xuất giải quyết thoả đáng những yêu cầu, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của họ.

    - Công tác vận động chức sắc, nhà tu hành phải bám sát các nguyên tắc: gắn bó tôn giáo với dân tộc, hoà hợp Đạo - Đời, trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc, tuân thủ pháp luật; giữ vững độc lập tự chủ của tổ chức tôn giáo trong nước trong quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế, đề cao độc lập chủ quyền quốc gia, tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.

    - Ngoài những hiểu biết chung về tôn giáo, mỗi cán bộ tôn giáo còn phải hiểu những đặc điểm riêng của từng tôn giáo hay từng hệ phái của tôn giáo để có thái độ đồng cảm và sự tôn trọng những quy định tôn giáo của họ.

    - Cần vận động các nhà khoa học, những người tiêu biểu có uy tín trong xã hội  tham gia vào công tác tôn giáo, trên cương vị của họ sẽ có nhiều thuận tiện trong việc tuyên truyền, giải thích về những hiện tượng tiêu cực và những hành vi ly khai, chống đối của các nhóm, cá nhân tôn giáo cực đoan, phản động.

    - Khi có vụ việc tôn giáo phức tạp xảy ra liên quan đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo thì trước hết phải xác định đúng tính chất của nó. Có thể là do mâu thuẫn nội bộ nhân dân, cũng có thể là do mâu thuẫn địch – ta, hoặc vốn là mâu thuẫn nội bộ nhân dân mà thế lực xấu đã lách vào lợi dụng được. Từ đó, trong thái độ xử lý giải quyết thì về nguyên tắc là trong các vụ việc mang tính chất gì cũng lấy vận động, thuyết phục làm biện pháp căn bản. Đã có bàn tay của kẻ xấu can thiệp, chỉ đạo thì phải phân hoá các lực lượng chống đối, cô lập nhóm đầu xỏ, chủ mưu; làm cho đông đảo quần chúng nhân dân nhận thức đúng thực chất của tình hình, đồng tình với chủ trương giải quyết của ta. Với những người vì nhẹ dạ mắc phải âm mưu của kẻ xấu, bị lợi dụng tham gia các vụ việc vi phạm pháp luật, chống đối chế độ, khi nhận thức được sai lầm và đứng về phía Nhân dân chống lại kẻ xấu đó thì chính quyền, Mặt trận, Nhân dân cần bao dung, không định kiến. Đối với nhóm đầu xỏ, chủ mưu phải công khai vạch trần âm mưu, hành vi sai phạm trước quần chúng và kiên quyết xử lý theo pháp luật nhưng cần nhanh gọn, dứt điểm, không kéo dài.

    Phân loại một số chức sắc tôn giáo trong các nhóm và lực lượng ly khai, chống đối, tuỳ theo mức độ và tình hình cụ thể để có biện pháp vận động thuyết phục họ về với giáo hội hợp pháp, gắn bó với dân tộc hoặc tối thiểu là hoạt động tôn giáo thuần túy.

    [1] Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

    [2] Số liệu theo Báo cáo của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đến tháng 10/2017

    (*) Các Mác. Góp phần phê pháp triết học pháp quyền của Hêghen, NXB Sự thật, H, Tr.14)